Bạn có biết rằng phần lớn các nhà giao dịch chứng khoán đều phải từ bỏ cuộc chơi vì thua lỗ và chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ chiến thắng trên thị trường?
Vậy đặc điểm của những nhà giao dịch chứng khoán thành công là gì? Những yêu cầu nào là bắt buộc để họ sinh tồn và kiếm được lợi nhuận lâu dài trên thị trường? Bài viết này sẽ tiết lộ cho bạn 6 yếu tố tạo nên một nhà giao dịch chứng khoán thành công.
Đầu tư vào bản thân trước khi đầu tư vào thị trường
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tập trung vào những yếu tố “nhân hòa” thay vì “thiên thời” hay “địa lợi”. Vì rõ ràng, không ai có thể kiểm soát được thị trường hay khẳng định chắc chắn ngày mai thị trường lên hay xuống. Điều chúng ta có thể làm là chuẩn bị thật tốt cho bản thân để đương đầu với các biến động và trên hết là sinh tồn trong thị trường khốc liệt.
Hơn thế nữa, dù phong cách đầu tư của bạn là dài hạn hay ngắn hạn thì giao dịch chứng khoán vẫn là một hành trình dài. Thị trường không phải lúc nào cũng mỉm cười và chắc chắn sẽ có những giai đoạn rất tiêu cực. Vì vậy, việc chuẩn bị thật tốt cho bản thân và có tư duy dài hạn là rất cần thiết.
Sau đây, chúng ta sẽ cùng đi vào 6 yếu tố tạo nên một nhà giao dịch chứng khoán thành công.
6 yếu tố tạo nên một nhà giao dịch chứng khoán thành công
1. Có kiến thức
Điều đầu tiên và trên hết trước khi tham gia bất kỳ cuộc thi đấu nào là chúng ta cần có hiểu biết về thứ mình đang tham gia. Cụ thể, nhà giao dịch chứng khoán cần có kiến thức về giao dịch và thị trường. Họ cần phải nắm được các khái niệm cơ bản và cách sử dụng nền tảng giao dịch. Sâu hơn là phải biết cách đọc đồ thị, hiểu các chỉ báo kỹ thuật - cơ bản và nắm bắt các thông tin về thị trường.
Nếu bạn tham gia thị trường khi chưa có đầy đủ kiến thức, trong trường hợp xấu, thị trường sẽ đánh gục bạn nhanh chóng. Nếu thuận lợi hơn, thị trường vẫn cho bạn một chút lợi nhuận trước khi khiến bạn gục ngã sau đó. Còn nếu may mắn, bạn có thể sống sót nhưng cũng phải trả một khoản học phí khổng lồ từ những lần thua lỗ.
Như vậy, bước một là nạp kiến thức. Bạn có thể trả phí cho khóa học đầu tư chứng khoán của các công ty môi giới hoặc của các nhà giao dịch thành công. Ngoài ra, bạn cũng có thể tự học thông qua các cuốn sách dạy đầu tư. Dù bằng cách nào, quá trình chuẩn bị cũng sẽ giúp bạn đỡ bị sốc khi bước vào thị trường.
Nhưng cũng đừng quên, việc học đầu tư chứng khoán sẽ không chỉ diễn ra trước khi bạn bắt đầu mà còn kéo dài trong suốt sự nghiệp đầu tư của bạn. Tuy nhiên, có một nền tảng kiến thức tốt sẽ giúp bạn thực chiến nhanh và hiệu quả hơn về sau.
2. Có chiến lược đầu tư rõ ràng
Khi đã có kiến thức nền tảng, bạn có thể bắt đầu lên chiến lược giao dịch cho mình. Chiến lược là cơ sở giúp bạn duy trì kỷ luật, quản lý vốn và kiếm lợi nhuận bền vững từ thị trường. Chiến lược giao dịch là một khía cạnh có tính cá nhân cao. Nó phụ thuộc vào các đặc điểm của từng nhà giao dịch như:
-
Số vốn đầu tư
-
Khả năng chấp nhận rủi ro
-
Thời gian dành cho giao dịch
-
Sở thích cá nhân
Vì vậy, không có chiến lược nào là đúng tuyệt đối cho mọi nhà đầu tư. Tuy nhiên, một số chiến lược tương đối giống nhau sẽ tạo thành các trường phái giao dịch lớn. Ví dụ, một số người yêu thích giao dịch ngắn hạn chỉ trong vài ngày và kiếm các khoản lợi nhuận nhỏ nhưng liên tục. Ngược lại, một số khác lại đầu tư dài đến hàng năm và hạn chế giao dịch.
Chiến lược giao dịch là cách mà bạn trả lời một số câu hỏi như:
-
Tôi sẽ phân bổ vốn đầu tư như thế nào. Tỷ lệ vốn cho từng cổ phiếu ra sao, tỷ lệ tiền mặt giữ lại là bao nhiêu.
-
Tôi sẽ duy trì các vị thế vài ngày, vài tháng hay vài năm.
-
Mức chốt lời và cắt lỗ phù hợp là bao nhiêu.
-
Tôi sẽ nghiên cứu các thông tin thị trường như thế nào.
Ngoài ra, chiến lược giao dịch có tính dài hạn nhưng không có nghĩa là nó không bao giờ thay đổi. Một chiến lược sẽ không bao giờ đúng ngay từ đầu. Trong quá trình giao dịch chứng khoán, bạn sẽ cần liên tục tinh chỉnh để hoàn thiện nó.
3. Kỷ luật
Về mặt chiến thuật ứng phó cho các tình huống thực tế, bạn không thể biết chính xác ngày mai thị trường sẽ đi lên hay đi xuống. Điều bạn có thể làm là chuẩn bị sẵn các kịch bản khác nhau cùng biện pháp đối phó. Và đó chính là bản chất của chiến lược giao dịch: giúp bạn chuẩn bị trước mọi tình huống.
Tuy nhiên, chiến lược giao dịch chứng khoán sẽ là vô nghĩa nếu bạn không có và không tuân thủ kỷ luật. Kỷ luật được thể hiện qua cách bạn tuân thủ chiến lược mà mình đã đặt ra:
-
Vốn đầu tư: Bạn có phân bổ đúng số tiền mà mình đã tính toán cho các cổ phiếu hay chưa. Nếu đầu tư quá lớn vào một cổ phiếu có hiệu suất không tốt, bạn sẽ mất nguồn tiền cho các cổ phiếu khác tốt hơn.
-
Thời gian: Vật cực tất phản! Việc dành quá nhiều thời gian để theo dõi đồ thị sẽ thu hẹp cuộc sống của bạn. Ngoài ra, việc thiếu hoạt động bên ngoài thậm chí sẽ khiến bạn không thể suy nghĩ thông suốt và làm giảm hiệu suất giao dịch.
-
Cắt lỗ / chốt lời: Nếu bạn đã đặt ra tỷ lệ rủi ro/phần thưởng là 1:2 hay lỗ/lời là 10%:20% thì hãy tuân thủ nó. Vì để lấy lại được 10% số vốn đã lỗ thì bạn phải kiếm lại được mức lợi nhuận sau đó là 11,1%. Phần trăm lỗ càng lớn thì phần trăm lợi nhuận kiếm lại lại phải càng lớn. Vì vậy, hãy tuân thủ triệt để nguyên tắc cắt lỗ / chốt lời.
Lưu ý quan trọng
Trong quá trình giao dịch chứng khoán, rất nhiều biến cố sẽ xuất hiện. Một lần vi phạm kỷ luật sẽ dẫn đến một chuỗi domino các lần vi phạm khác và cuối cùng làm chiến lược giao dịch của bạn trở nên vô nghĩa. Do đó, kỷ luật chính là một yếu tố bắt buộc để đảm bảo chiến lược giao dịch và đảm bảo khả năng thành công của bạn.
4. Quản lý vốn hợp lý
Đừng bỏ tất cả trứng vào một giỏ! Đây là một câu nói kinh điển về quản lý vốn và quản lý rủi ro. Khi giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư phải sinh tồn trước rồi sau đó mới có thể kiếm lợi nhuận.
Việc phân bổ vốn tuỳ theo nhận định của bạn về các tài sản nói chung và cổ phiếu nói riêng. Sẽ có những cổ phiếu ổn định với cổ tức đều đặn và cũng sẽ có những cổ phiếu có tính biến động cao và có thể mang lại lợi nhuận lớn. Bạn sẽ cần cân nhắc khả năng chấp nhận rủi ro của bản thân để chia vốn cho hợp lý.
Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý đến số tiền đầu tư và số tiền mặt cần để phòng thủ. Thị trường sẽ có những giai đoạn tăng trưởng và những giai đoạn suy thoái. Để tối ưu hoá lợi nhuận và hạn chế rủi ro, trong điều kiện thị trường tốt, bạn có thể nắm giữ nhiều cổ phiếu và ít tiền mặt. Ngược lại, khi thị trường đi xuống, bạn nên ưu tiên nắm giữ tiền mặt nhiều hơn.
5. Biết tận dụng thời cơ
Trong những giai đoạn thị trường tăng trưởng mạnh, bạn có thể cân nhắc nới rộng mức độ chấp nhận rủi ro của mình. Việc đầu tư luôn tiềm ẩn rủi ro và để có lợi nhuận, bạn cần sẵn sàng dốc hầu bao khi có cơ hội.
Ví dụ, khi thị trường bị định giá thấp, bạn có thể tăng dần số tiền đầu tư vào các cổ phiếu. Và khi thị trường đã vượt quá xa định giá, bạn cần hạ dần tỷ trọng. Để đánh giá đâu là đỉnh, đâu là đáy, bạn cần nghiên cứu lịch sử của thị trường và thông tin doanh nghiệp cũng như các chỉ báo kinh tế.
Bên cạnh đó, khi đầu tư vào doanh nghiệp thuộc một lĩnh vực nào, bạn cần có kiến thức về lĩnh vực đó. Một số câu hỏi cần đặt ra khi đánh giá tiềm năng của một lĩnh vực như:
-
Lĩnh vực đó hiện có thu hút được nhiều vốn đầu tư hay không.
-
Lĩnh vực đó có tính chu kỳ hay không, hiện tại đang là thời điểm nào của chu kỳ.
-
Lĩnh vực đó chịu ảnh hưởng của những thông tin mang tính vĩ mô nào (ví dụ như tỷ giá hối đoái, lãi suất, chiến tranh, thiên tai v.v).
6. Biết học hỏi từ sai lầm
Cuối cùng, tất cả những yếu tố nêu trên đều không thể có trong ngày một ngày hai và cũng không thể có trước khi bạn bắt đầu giao dịch chứng khoán. Bạn vẫn cần chuẩn bị trước và sau đó bước thật chậm vào thị trường, đầu tư với số vốn nhỏ để làm quen. Trong giai đoạn đầu, bạn có thể thua lỗ nhưng đó là điều cần thiết để bạn biết được sự khắc nghiệt.
Sau đó, như đã nói ở trên, bạn sẽ dần rút ra được kinh nghiệm và điều chỉnh, tối ưu hoá dần chiến lược giao dịch của mình. Việc tuân thủ kỷ luật sẽ giúp bạn tránh được những cú thua lỗ quá lớn và đồng thời, đảm bảo bạn có đủ thời gian sinh tồn để hoàn thiện chiến lược của mình.
Khi chiến lược đã đủ tốt và các yếu tố nêu trên được tối ưu hoá, bạn sẽ bắt đầu kiếm được tiền từ thị trường. Và quan trọng hơn, số lợi nhuận này bền vững và xuất phát từ năng lực của bạn.
Kết luận
Trên đây là 6 yếu tố tạo nên một nhà giao dịch chứng khoán thành công. Chúng bổ trợ cho nhau, tạo nên nền móng giúp bạn đứng vững và vươn cao trên thị trường. Điều quan trọng là bạn đừng sợ thất bại mà hãy tận dụng nó để hoàn thiện mình.